Tầm quan trọng của việc siêu âm tim sớm sau sinh cho trẻ

1. Định nghĩa về bệnh tim bẩm sinh

Những bất thường trong cấu trúc của tim hoặc các mạch máu lớn trong lồng ngực sẽ dẫn đến bệnh tim bẩm sinh. Dị tật này rất hay gặp, cứ trong 1.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có 8 - 10 bé bị mắc và cũng là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sinh (chiếm 40% trong số các ca dị tật bẩm sinh).

Vì thế nên nếu chậm trễ trong việc chẩn đoán thì nguy cơ tử vong ở trẻ sơ sinh là rất lớn, cần tầm soát bệnh sớm và điều trị cho trẻ kịp thời, tránh để lại biến chứng và hậu quả nghiêm trọng.

2. Những loại bệnh tim thường gặp ở trẻ

Bệnh tim có thể chia làm nhiều dị tật đi kèm, một số bệnh lý cần phải kể đến đó là:

  • Hẹp van động mạch phổi;
  • Thông liên nhĩ;
  • Thông liên thất;
  • Tứ chứng Fallot;
  • Còn ống động mạch.

3. Vì sao trẻ lại bị mắc bệnh tim bẩm sinh?

Trẻ bị mắc bệnh tim có thể là do các nguyên nhân sau:

  • Từ trong bụng mẹ trẻ đã gặp các bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể, làm ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phân chia của các buồng tim. Nếu biến đổi gen xảy ra càng sớm thì dịt tật tim càng nặng;
  • Các yếu tố đến từ môi trường:
  • Người mẹ trong lúc mang thai có sử dụng các thuốc kháng viêm, lạm dụng các chất kích thích (bia, rượu,...) hoặc thường xuyên tiếp xúc với các hoá chất độc hại,...;
  • Người mẹ khi mang thai không may bị nhiễm các loại virus cúm, Rubella, Herpes, Cytomegalo,...

4. Các triệu chứng trẻ có thể gặp khi bị bệnh tim bẩm sinh 

  • Trẻ bị khó thở, thở nhanh và thở mệt;
  • Trẻ bú kém, chậm lên cân;
  • Xuất hiện dấu hiệu tím môi hoặc đầu các chi;
  • Tái phát viêm phổi nhiều lần.

Những triệu chứng này không phải là các dấu hiệu đặc trưng và khó phát hiện ngay sau sinh, chỉ khi đi khám sức khỏe và được siêu âm tim kiểm tra thì mới chẩn đoán ra.

5. Phương pháp chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh 

Ngoài biện pháp kiểm tra lâm sàng thì để chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh ở trẻ, sẽ cần dùng đến các phương pháp như siêu âm, thông tim, chụp cắt lớp vi tính,... Trong đó, siêu âm tim được cho là phương pháp đơn giản và an toàn cho trẻ, giúp phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ngay khi trẻ còn trong bụng mẹ và ngay sau khi sinh.

Siêu âm tim sớm sau sinh và can thiệp kịp thời sẽ góp phần làm giảm biến chứng sau này cho trẻ

Để phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh ở trẻ, sản phụ cần:

  • Siêu âm tim thai: Tuân thủ lịch khám thai và siêu âm tim thai theo chỉ định của bác sĩ. Thời điểm thích hợp nhất để siêu âm chẩn đoán dị tật tim bẩm sinh ở thai nhi là tuần thai thứ 18 - 22. Lý do cần siêu âm tim thai đó là:
  • Siêu âm tim thai giúp sớm phát hiện các bất thường về tim ở trẻ;
  • Giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị trước sinh;
  • Đối với trường hợp nặng có thể bị lưu thai hoặc không thể điều trị sau sinh, có thể phải đình chỉ thai sản.
  • Siêu âm tim sớm sau sinh: Nếu bỏ lỡ siêu âm tim thai thì nên thực hiện ngay sau khi bé vừa chào đời hoặc trong tháng tuổi đầu đời của trẻ. Vai trò của biện pháp siêu âm tim sớm sau sinh bao gồm:
  • Giúp kiểm tra xem trẻ có khả năng bị tim bẩm sinh hay không. Nếu có thì có thể đánh giá mức độ bệnh nặng hay nhẹ, mức độ cần thiết của việc can thiệp sớm trong giai đoạn sơ sinh;
  • Nếu được siêu âm tim sớm và can thiệp kịp thời sẽ góp phần làm giảm biến chứng, phục hồi chức năng tim để trẻ có cơ hội được sống với một trái tim khỏe mạnh sau này.

6. Điều trị cho bệnh nhi bị tim bẩm sinh như thế nào? 

Nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại trong y tế, hiện các bác sĩ có thể thực hiện chẩn đoán và điều trị qua da. Các bệnh lý về tim đã có thể được chữa khỏi hoàn toàn như:

  • Còn ống động mạch;
  • Một số dạng thông liên nhĩ;
  • Thông liên thất.

Còn có những loại bệnh lý về tim không thể can thiệp qua da mà cần phải tiến hành qua một hoặc nhiều cuộc phẫu thuật thì mới có thể được kiểm soát nhưng khó có thể khỏi hoàn toàn đó là:

  • Bệnh tim bẩm sinh chỉ có thể phẫu thuật thành 1 thất như tâm thất độc nhất, hoặc không lỗ van 3 lá,...;
  • Các bệnh cần có sự theo dõi chặt chẽ về sau: kênh nhĩ thất, chuyển vị đại động mạch, tứ chứng Fallot,...

Qua đó cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc siêu âm tim sớm cho thai nhi và trẻ sơ sinh, bởi vì nếu không chẩn đoán sớm căn bệnh này thì sẽ để lại các biến chứng nặng nề như suy tim, thuyên tắc mạch, hội chứng Eisenmenger, tăng áp phổi cố định,... 

Như vậy việc chẩn đoán các bệnh lý bẩm sinh về tim thông qua siêu âm tim sớm sau sinh nhằm ghi nhận những tư liệu cần thiết để bác sĩ chuyên khoa giúp mẹ bầu đảm bảo sức khỏe và sự phát triển bình thường của bé. Đồng thời phương pháp này cũng không gây đau đớn hay gây ra biến chứng gì cho trẻ.

Chí Đệ - Khoa Lão khoa - Bệnh viện ĐK tỉnh