Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do các chủng virus cúm A như H1N1, H5N7, H7N9… gây nên. Những chủng virus này rất dễ lây lan nên dễ phát sinh thành dịch bệnh. Bệnh cúm A thường xuất hiện vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, với các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với cúm thông thường. Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc cúm A do hệ miễn dịch của các con còn non yếu nên ba mẹ cần bảo vệ bé trước nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Khi bị cúm A, trẻ thường có các triệu chứng như: sốt cao (thường phổ biến ở trẻ dưới 24 tháng tuổi), nhức đầu, mỏi cơ, ho, lười vận động, chảy nước mũi, hắt hơi… Một số trường hợp, trẻ có thể bị nôn trớ nhiều lần, háo nước.
Trường hợp bị cúm A nghiêm trọng, sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như: bỏ ăn, bỏ bú, thở nhanh, li bì, gan bàn chân lạnh… Một số trường hợp bé có thể bị sốt cao kèm theo co giật. Nếu trẻ sốt cao mà không được xử trí kịp thời, có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, chóng mặt, đi lại khó khăn.
Phương pháp điều trị cúm A ở trẻ
• Việc đầu tiên ba mẹ cần làm là hãy cách ly trẻ để tránh lây nhiễm cho người khác.
• Hạ sốt: Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì ba mẹ hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của bé. Nếu bé tiếp tục sốt thì cho uống hạ sốt cách 4 – 6 giờ mỗi lần, ngày không quá 4 lần.
• Trị ho: Nếu trẻ có biểu hiện ho, hãy cho bé uống thuốc ho bằng siro thảo dược hoặc các cách dân gian như uống nước ấm, hấp quất, lá hẹ…
• Nếu bé bị ngạt mũi nhiều thì rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc hút mũi để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
• Nếu trẻ bị tiêu chảy thì cho uống men tiêu hóa, men sống, tăng cường điện giải, uống nhiều nước để bù nước, tránh mất nước.
•Tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Thuốc được sử dụng là loại thuốc kháng virus, giúp ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của virus cúm A để bé nhanh chóng khỏi bệnh.
• Cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như cháo, súp.Thức ăn của bé cần được nấu chín kỹ và ăn khi còn ấm. Đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất cần thiết như tinh bột, đạm, vitamin. Cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, giúp nâng cao đề kháng nhanh chóng đẩy lùi bệnh.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
• Sốt cao trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt.
• Co giật.
• Trẻ mệt mỏi li bì, khó đánh thức.
• Bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ, chân và tay lạnh.
• Trẻ khó thở, thở nhanh.
Biện pháp phòng ngừa cúm A ở trẻ
• Cho bé tiêm vắc xin cúm đầy đủ mỗi năm vì vắc xin là biện pháp ngăn ngừa bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
• Vệ sinh cá nhân và nơi ở sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh mũi họng, rửa tay thường xuyên và không cho bé đưa tay lên mũi, miệng. Hạn chế cho bé đến nơi đông người. Tránh tiếp xúc với những người đang bị cúm hoặc có nguy cơ bị bệnh.
• Cho bé ăn uống đủ chất, vận động thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
• Khi bé có các triệu chứng của bệnh cúm như ho, sốt, sổ mũi thì nên cho bé đi khám, không nên chủ quan để bé tự khỏi hoặc tự ý mua thuốc cho bé.
Trong thời điểm giao mùa thời tiết trở lạnh như hiện tại thường hay mắc phải bệnh cúm, Khoa Điều trị tự nguyện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân cúm A và đã điều trị khỏi thành công nhiều ca bệnh. Vì sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ, ba mẹ hãy chăm sóc trẻ thật tốt mỗi ngày, quan tâm đến những biểu hiện bất thường của con để đưa ra phương án xử trí sớm và hiệu quả nhất.